Mâm quả đám hỏi ba miền Bắc, Trung, Nam và chi phí mâm quả đám hỏi là bao nhiêu? Mâm quả đám hỏi được xem là một trong những sính lễ quan trọng không thể thiếu trong các nghi thức cưới xin truyền thống của người Việt. Đây là phần sính lễ do nhà trai chuẩn bị trước khi tiến hành qua nhà gái thực hiện các nghi lễ xin rước dâu. Mâm quả cưới hỏi đủ đầy, màu sắc sinh động tượng trưng cho lời chúc phúc cho cặp đôi dâu rể trăm năm hòa hợp, hạnh phúc viên mãn, của dư sung túc. Tuy nhiên tùy theo văn hóa, phong tục của mỗi một vùng miền Bắc – Trung – Nam thì số lượng, cũng như các vật lễ trong mâm lễ sẽ có sự khác biệt nhau. Trong bài viết hôm nay, Kalina xin mời các bạn đọc cùng chúng tôi đi tìm hiểu mâm lễ vật đám hỏi của ba vùng miền Việt Nam.
1. Mâm Quả Đám Hỏi Miền Bắc
Không phải ngẫu nhiên mà mâm quả được xem là một phần sính lễ thiết yếu trong các tục lễ cưới hỏi. Mâm quả đám hỏi miền Bắc thường sẽ được quy định theo số lẻ 3-5-7-9-11 tráp cưới. Tráp lễ sẽ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu với phần ngoài được sơn thếp vàng, được trang trí thêm hoa tươi và khăn phủ đỏ in họa tiết Long – Phụng. Hình ảnh này thể hiện sự gắn kết sâu sắc và bền chặt của cặp đôi trên bước đường hôn nhân tương lai sau này.
Tùy theo điều kiện kinh tế của tùng gia đình, cũng như sự phát triển của xã hội hiện đại, mà mâm quả cưới hiện đại có thể thay đổi, thêm bớt một vài món đồ. Tuy nhiên vẫn có một phần sính lễ đám hỏi mà các cặp đôi không thể thay đổi hoặc lãng quên chính là tráp trầu cau, thể hiện sự ngỏ lời kết tình sui gia, tình nghĩa vợ chồng gắn bó, thủy chung trước sau như một.
Với quy định tráp lễ theo số lẻ 3-5-7-9-11 tráp, thì sính lễ có trong các mâm quả lần lượt được kể đến sẽ là:
- 3 tráp lễ: trầu cau – xôi chè – trà.
- 5 tráp lễ: trầu cau – xôi chè – trà, hạt sen – bánh cốm.
- 7 tráp lễ: trầu cau – xôi chè – trà, hạt sen – bánh cốm – bánh phu thê – bánh đậu xanh.
- 9 tráp lễ: trầu cau – xôi chè – trà, hạt sen – bánh cốm – bánh phu thê – bánh đậu xanh – hoa quả kết hình Long & Phụng – heo sữa quay.
- 11 tráp lễ: trầu cau – xôi chè – trà, hạt sen – bánh cốm – bánh phu thê – bánh đậu xanh – hoa quả kết hình Long & Phụng – Heo sữa quay – tháp bia, rượu – bánh nướng/bánh dẻo.
Song song với các tráp lễ vật, thì thông thường nhà trai còn kẹp thêm các phong bì tiền mặt trong tráp trầu cau. Mẹ chồng sẽ là người trao lại phong bì mừng cho cô dâu, sau đó sẽ trao tiếp các loại sính lễ khác như trang sức vòng, nhẫn, lắc…
Chi phí mâm quả tại các địa điểm cho thuê mâm quả sẽ dao động tùy thuộc vào số lượng, thành phần các sính lễ trong mâm quả cưới thường sẽ dao động từ 3.000.000 – 10.000.000 đồng.
Mâm Quả Đám Hỏi Miền Trung
Khác với mâm lễ vật của người miền Bắc, mâm sính lễ của người miền Trung không quá chú trọng và đặt nặng ở phần số lượng tráp lễ. Tuy nhiên mâm quả đám hỏi cũng không thể thiếu 4 món lễ vật sau đây là tráp trầu cau, tráp rượu, tráp bánh phu thê và cặp nến tơ hồng Long – Phụng.
Nếu tráp trầu cau thể hiện ý niệm tình nghĩa trăm năm, thì tráp bánh phu thê lại tượng trưng cho tình cảm vợ chồng hòa thuận. Tráp rượu mang ý nghĩa dâng kính lòng thành trước tổ tiên, ông bà, cầu mong sự chấp thuận và xin lời chúc phúc. Cặp nến tơ hồng được người lớn tuổi đức cao vọng trọng trong dòng họ thắp trên bàn thờ gia tiên, mang hàm ý cầu chúc cho hạnh phúc viên mãn, thuận vợ thuận chồng, con đàn cháu đống.
Bên cạnh 4 tráp lễ không thể thiếu, mâm quả ngày đám hỏi người miền Trung cũng có thêm các tráp lễ do nhà gái thách cưới quy định và tiền nạp lễ. Song song đó, bạn cũng có thể bắt gặp các tráp lễ đi kèm khác như:
- 5 tráp lễ: trầu cau – rượu, bánh phu thê – cặp nến tơ hồng – xôi gấc + gà luộc.
- 6 tráp lễ: trầu cau – rượu, bánh phu thê – cặp nến tơ hồng – xôi gấc + gà luộc – nem chả.
- 7 tráp lễ: trầu cau – rượu, bánh phu thê – cặp nến tơ hồng – xôi gấc + gà luộc – nem, chả – trái cây/heo sữa quay.
Tương tự như chi phí của tráp lễ miền Bắc, giá mâm quả đám hỏi miền Trung cũng sẽ dao động từ 2.500.000 – 6.000.000 đồng. Gia đình nhà trai có thể lên danh sách các sính lễ để chuẩn bị, hoặc cũng có thể liên hệ các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ mâm quả đám hỏi để có thể tìm kiếm được những mẫu tráp lễ ưng ý, phù hợp với nhu cầu và giá tiền.
Mâm Quả Đám Hỏi Miền Nam
Nếu như mâm lễ người miền Bắc quy định số lượng lẻ, người miền Trung chú trọng vào 4 món lễ vật chính, thì tráp sính lễ của người miền Nam lại quy định theo số lượng chẵn 6-8-10. Và thông thường trong các lễ đám hỏi miền Nam số lượng mâm quả được ưa chuộng nhất chính là 6 mâm quả đám hỏi hoặc 8 mâm quả đám hỏi. Bởi hai con số này tượng trưng cho vận khí may mắn, tài lộc, hạnh phúc viên mãn.
Có lẽ chú trọng ở phần các con số, tráp sính lễ trầu cau của miền Nam cũng được quy định với 210 lá trầu và 105 quả cau, thể hiện ý niệm cầu chúc cho đôi tân nương – tân lang có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, ấm no. Bên cạnh đó, trong các tráp sính lễ ở miền Nam, vợ chồng sẽ chuẩn bị thêm cho nàng dâu mới của gia đình một bộ áo dài truyền thống và một đôi bông tai.
- 6 tráp lễ: quả 1: trầu cau, quả 2: trà, rượu, nến hồng, quả 3: trái cây (ngũ quả cũng được, không bắt buộc quả gì), quả 4: bánh phu thê (không phải bánh su sê – bánh su sê là 1 loại bánh khác), quả 5: bánh kem (nam)/bánh cốm (bắc), quả 6: xôi gấc trái tim và gà
- 8 tráp lễ: trầu cau – trà, nến tơ hồng – bánh phu thê – xôi gấc + heo quay – trái cây – bánh kem – áo dài + trang sức.
Đối với quả 7,8 thì tuỳ chúng ta muốn làm quả gì cũng được có thể là heo quay, bánh hộp, rượu tây vv. Không chỉ ưa chuộng các con số may mắn, mà người miền Nam với tính cách hào sảng còn đặc biệt yêu thích các mâm tráp lễ đủ đầy, màu sắc sinh động, nổi bật mang hàm ý may mắn, sung túc: đỏ, hồng, ánh kim, vàng đồng…
Giá mâm quả đám hỏi ở miền Nam sẽ có mức giá dao động từ 2.500.000 – 10.000.000 đồng. Bạn có thể liên hệ đến các dịch vụ chuyên cung cấp mâm quả cưới để có thể lựa chọn các mẫu mã đa dạng, thiết kế sang trọng – tinh tế, đi kèm các dịch vụ thuê trọn gói…
4. Một Vài Lưu Ý Khi Trao Quả Trong Lễ Đám Hỏi
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các mâm quả sính lễ, theo ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp được hai bên gia đình nhà trai nhà gái bàn bạc thống nhất, đội hình bưng tráp nhà trai sẽ sang nhà gái trao quả. Thế nhưng để “đầu xuôi, đui lọt” suôn sẻ, may mắn, bạn cũng cần chú ý một vài điểm nhsau:
- Đội hình bưng mâm quả đám hỏi: theo phong tục những người được lựa chọn vào đội ngũ bưng tráp phải là những người trẻ còn độc thân. Số người trao quả sẽ tương ứng với số người nhận quả.
- Thứ tự bưng mâm quả đám hỏi: sẽ được sắp xếp theo thứ tự đầu tiên là tráp trầu cau – rượu, hoa quả – xôi + heo sữa/gà luộc – các loại bánh chè…
- Cách trao và nhận mâm quả đám hỏi: theo đúng giờ lành định trước, nhà trai sắp xếp thứ tự các bậc ông bà, cha mẹ, chú rể, đội hình bưng tráp… tiến hành chào hỏi và trao quả cho đội ngũ nhận mâm quả bên gia đình nhà gái. Sau khi trao quả xong, cô dâu chú rể trao tặng các phong bao lì xì cho đội hình bưng tráp hai bên để thể hiện sự cảm ơn, cũng như mua may mắn, trả duyên lại cho người bưng tráp.
- Mâm quả sẽ theo phía nhà gái, nhà gái ở miền nào thì mâm quả ở miền đó, nếu nhà gái ở miền Nam thì mâm quả sẽ theo phong cách miền Nam và ngược lại.
Trên đây là bài viết mâm quả đám hỏi ba miền Bắc – Trung – Nam cũng như chi phí mâm quả của từng vùng miền. Mong rằng với những chia sẻ trên đã giúp cho bạn đọc có thêm một vài kinh nghiệm trong việc mua sắm, chuẩn bị các mâm quả đám hỏi sao cho phù hợp với phong tục, văn hóa, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Chúc các bạn thành công và có một buổi lễ đám hỏi thật sang trọng, chỉnh chu, ấm cúng bên những người thân yêu nhé!
> Xem thêm:
Lễ Ăn Hỏi Là Gì? Đám Hỏi Là Gì? Đám Hỏi Cần Chuẩn Bị Những Gì? Trình Tự Làm Đám Hỏi
Trang Trí Bàn Thờ Gia Tiên Đám Hỏi, Chi Phí Trang Trí Bàn Thờ Gia Tiên Là Bao Nhiêu?
Bê Tráp Là Gì? Quy Trình 7 Bước Bê Tráp Trong Đám Hỏi
Chi Phí Tổ Chức Đám Hỏi Là Bao Nhiêu?
Trang Phục Đám Hỏi Và Chi Phí Thuê Trang Phục Hết Bao Nhiêu Tiền?
11 Việc Nhà Trai, Nhà Gái Cần Chuẩn Bị Cho Đám Hỏi, Lễ Đính Hôn